Trong khuôn khổ thực hiện dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25 tháng 05 năm 2012, trong năm 2019 và 2020, Bộ Công Thương tiến hành triển khai nhiệm vụ “Xây dựng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá thực hành tốt hoạt động cải tiến của doanh nghiệp ngành công thương” với mục tiêu chung là xây dựng bộ tiêu chí, quy trình và phần mềm đánh giá khả thi, linh hoạt phản ánh kết quả hoạt động cải tiến và khả năng duy trì hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp.

Hệ thống đánh giá thực hành tốt cải tiến doanh nghiệp ngành công thương được xây dựng để khuyến khích, ghi nhận các nỗ lực của các doanh nghiêp sản xuất công nghiệp trong việc thực hiện các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp.

PHẠM VI:

Hệ thống được thiết kế cho các doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S, TPM, Lean, 6 Sigma và BSC. Trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng các công cụ tương đương, cần mô tả và lựa chọn bộ chỉ số phù hợp để đánh giá.

ĐỐI TƯỢNG:

Hệ thống được thiết kế cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đăng ký đánh giá lần đầu và tái đánh giá sau 1 năm nhận được chứng chỉ từ hệ thống

  • Đánh giá lần đầu là lần đánh giá theo hệ thống được thiết kế hoặc thời hạn đánh giá của lần liền kề trước đó quá 1 năm

  • Tái đánh giá là lần đánh giá theo hệ thống hàng năm không có năm cách quãng giữa các lần đánh giá

THỜI GIAN:

Đánh giá được thực hiện 1 năm 1 lần và công bố kết quả vào tháng 12 hàng năm.

  • Hồ sơ đăng ký đánh giá trước 30 tháng 6 hàng năm sẽ được thực hiện đánh giá trong năm.

  • Hồ sơ đăng ký đánh giá sau 30 tháng 6 hàng sẽ được thực hiện đánh giá trong năm tiếp theo.

KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ:

Bộ Công Thương sẽ cấp chứng chỉ thực hành tốt cho các doanh nghiệp đăng ký theo phạm vi đăng ký với 3 mức thực hiện:

Mức 1. Thực hiện ở mức ban đầu

Mức này áp dụng cho các doanh nghiệp đã có các hoạt động ban đầu về cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp, hiệu quả chưa rõ ràng.

Mức 2. Thực hiện tốt

Mức này áp dụng cho các doanh nghiệp đã có các hoạt động tích cực về cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp, đã bắt đầu thu nhận hiệu quả rõ ràng.

Mức 3. Thực hiện xuất sắc

Mức này áp dụng cho các doanh nghiệp đã có các hoạt động tích cực về cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp, thu nhận hiệu quả rõ ràng.

CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ:

Xác định theo đặc trưng của từng mô hình cải tiến.

QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ:

Đối với mỗi chứng chỉ sẽ có 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn đăng ký phạm vi và đánh giá chung

Doanh nghiệp quan tâm đến chứng chỉ xác nhận thực hành tốt các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp cần đăng ký để được kích hoạt tài khoản.

Giai đoạn này các doanh nghiệp cung cấp thông tin cơ bản về hoạt động cải tiến đã thực hiện theo các công cụ cải tiến. Các chỉ số đánh giá được xây dựng cho mức độ áp dụng cơ bản đối với việc thực hiện mô hình cải tiến từ 3 khía cạnh là Năng lực, Hoạt động và Hiệu quả, đánh giá dạng Có/Không.

Trọng số giữa các khía cạnh đánh giá được áp dụng cho các doanh nghiệp đăng ký lần đầu và các doanh nghiệp đăng ký tái đánh giá là khác nhau. Dựa trên thông tin nhận được, chuyên gia của chương trình sẽ thông báo kết quả đánh giá theo 3 mức: (1) Không đạt, (2) Đạt ở mức ban đầu và (3) Có thể đạt ở mức cao hơn, cần đánh giá phân loại tiếp.

  • Giai đoạn xếp hạng đánh giá

Dác doanh nghiệp có kết quả đánh giá chung đạt trên 80% có cơ hội đánh giá xếp hạng chi tiết ở mức cao hơn. Các chỉ số đánh giá được xây dựng liên quan đến hiệu quả áp dụng mô hình cải tiến theo 4 cấp. Căn cứ vào kết quả xếp hạng, doanh nghiệp sẽ nhận thông báo theo 3 mức: (1) Bắt đầu, (2) Thực hiện tốt và (3) Thực hiện xuất sắc.

  • Giai đoạn cấp chứng chỉ

Chứng chỉ sẽ được cấp theo phạm vi và kết quả đánh giá theo chương trình chung của Bộ Công Thương cũng như ở dạng bản mềm trên hệ thống.

HIỆU LỰC CỦA CHỨNG CHỈ

1 năm hoặc đến ngày 30 tháng 12 của năm liền kề năm đánh giá.